NASA trấn an vụ “tận thế năm 2040”


au khi thở phào nhẹ nhõm vì ngày 21.12.2012 qua đi mà vẫn chưa... tận thế, con người lại nhận thêm tin vui nữa: thiên thạch 2011 AG5 sẽ không huỷ diệt trái đất vào tháng 2.2040 như dự báo trước đây!
Tưởng gần mà xa

Ảnh: thienvanbachkhoa.org
Ngày 24.12, hãng CNN đưa tin, NASA (cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ) công bố: “Một phân tích theo những dữ liệu mới được ghi nhận từ văn phòng Chương trình vật thể gần trái đất của NASA tại phòng thí nghiệm ở California, cho thấy nguy cơ của vụ va chạm vào năm 2040 đã giảm. Trái đất không còn nằm trong phạm vi đường bay của thiên thạch này trong tương lai”.
Thiên thạch 2011 AG5, ước tính rộng 140m, được các nhà thiên văn tại ngọn Lemmon ở dãy Catalina gần Tuscon, Arizona, Mỹ, quan sát thấy hồi tháng 1.2011. Đến đầu năm 2012, các nhà khoa học vẫn còn hoang mang về đường đi của thiên thạch này và dự đoán có 1% khả năng nó va chạm với trái đất trong vòng 30 năm tới! Trong trường hợp thiên thạch lao vào trái đất, năng lượng từ vụ nổ có thể lên tới 100 megaton, mạnh gấp hàng ngàn lần hai quả bom nguyên tử được dùng trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Liên hiệp quốc đã bắt đầu tìm kiếm phương thức tác động làm chuyển hướng di chuyển của thiên thạch. Có ý kiến đề nghị dùng vũ khí hạt nhân phá thiên thạch, nhưng có người phản đối vì điều này sẽ tạo ra hàng ngàn thiên thạch nhỏ từ một thiên thạch ban đầu.
Hồi tháng 10 vừa qua, NASA đã phối hợp cùng các nhà thiên văn học tại đại học Hawaii theo dõi và quan sát chu kỳ quay của 2011 AG5 từ kính thiên văn Gemini (Song Tử) 8m đặt tại Hawaii. Từ dữ liệu thu thập, các nhà khoa học nhận định 2011 AG5 sẽ không đến gần trái đất hơn 890.000km, gấp đôi khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng.
Theo các nhà thiên văn, 2011 AG5 có hình dạng kéo dài, thay đổi độ sáng liên tục nên rất khó quan sát toàn diện. Thời gian quay của thiên thạch vẫn là ẩn số nên các nhà khoa học chưa biết chính xác thời điểm nào thiên thạch được nhìn thấy là lớn nhất hay nhỏ nhất. Vì thế hình dạng, kích thước và quỹ đạo thật của thiên thạch vẫn chưa được xác định. “Quá trình theo dõi thiên thể 2011 AG5 không dễ dàng vì vị trí của nó rất gần mặt trời. Chúng tôi chỉ có nửa tiếng để quan sát khi thiên thạch này xuất hiện đủ rõ, ánh sáng bầu trời chưa quá chói chang và phải vào thời điểm những nhiễu loạn trong khí quyển không hạn chế tầm nhìn của kính thiên văn”, nhà thiên văn David Tholen tại viện Thiên văn đại học Hawaii cho hay. Hiện các nhà thiên văn vẫn tiếp tục quan sát và hy vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết liên quan đến thiên thạch trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2016, khi thiên thạch này đến gần trái đất hơn, khoảng 147 triệu km.
Trái đất vẫn có khả năng bị “xe đụng”
Trong một chu vi có bán kính 193.000.000km quanh trái đất, đang có khoảng 19.000 thiên thạch cỡ vừa (100 – 1.000m), nếu va chạm trái đất, có thể phá huỷ cả một thành phố. Giữa năm 2012, NASA cũng thống kê khoảng 4.700 thiên thạch có nguy cơ gây nguy hiểm cho trái đất. Nhiều thiên thạch có đường kính lên đến hơn 100m, được dự đoán sẽ di chuyển vào khu vực quỹ đạo trái đất khoảng cách 8 triệu km. Mặc dù khẳng định những thiên thạch này không khiến toàn bộ con người trên trái đất phải hoảng loạn nhưng quỹ đạo di chuyển của chúng phải được cập nhật thường xuyên.
Theo các nhà khoa học, không chỉ các thiên thạch được xem là nguồn nguy cơ cho trái đất, mà chính những vệ tinh nhân tạo được phóng lên quỹ đạo khi rơi xuống cũng sẽ gây không ít rắc rối cho mặt đất.
   KIM DUNG

Related product you might see:

Share this product :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Sinh viên bá đạo - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger